Thông tin khoa học và công nghệ

Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học một số loài nấm lớn và địa y ở khu vực Tây Nguyên. Đề xuất bảo tồn, phát triển các loài có triển vọng

on .

   Khu vực Tây Nguyên là khu vực có hệ sinh thái rất đa dạng.Khí hậu được chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô với lượng mưa trung bình lớn, độ ẩm cao.

Điều kiện tự nhiên tại đây rất thuận lợi cho sự phát triển của họ nấm trong đó có nấm lớn. Hiện nay, các nghiên cứu về nấm lớn thường tập trung ở khu vực đồng bằng và trung du, các nghiên cứu về khu hệ nấm lớn Tây Nguyên vẫn còn rất hạn chế. Để góp phần đánh giá sự đa dạng và giá trị dược liệu của họ nấm Ganodermataceae (nấm linh chi) và một số loài địa y ở khu vực Tây Nguyên, với mong muốn tăng cường các nghiên cứu về hóa học cũng như tìm kiếm, khai thác các hoạt tính quý báu từ các loài nấm lớn và địa y, từ đó, nâng cao giá trị sử dụng, giúp đề xuất định hướng bảo tồn và phát triển các loài quý hiếm, TS. Nguyễn Hải Đăng cùng các cán bộ Viện Hóa sinh biển phối hợp với trường Đại học Tây Nguyên đã thực hiện đề tài VAST.ƯDCN.02/14-15: “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học một số loài nấm lớn và địa y ở khu vực Tây Nguyên và đề xuất bảo tồn, phát triển một số loài có triển vọng”.

Tieu ban Konkaking
Một số mẫu tiêu bản đã thu thập được tại Vườn Quốc gia Kon Ka King

    Nhóm nghiên cứu đã thu thập, định danh và tạo tiêu bản 33 mẫu nấm lớn thuộc họ Ganodermataceae và 05 mẫu địa y thu thập tại khu vực Bắc Tây Nguyên. Trong đó, đã phát hiện 12 mẫu có tác dụng chống oxy hóa, 2 mẫu có hoạt tính ức chế enzyme α-amylase đáng chú ý, 20 mẫu có hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase mạnh, 3 mẫu có hoạt tính diệt tế bào ung thư phổi kháng thuốc NCI-H1975, 6 mẫu có hoạt tính kháng viêm theo cơ chế ức chế sản sinh NO. Và đặc biệt, với các thử nghiệm chuyên sâu nhóm nghiên cứu bước đầu đã tìm được hợp chất mới từ loài G. lucidum có tác dụng diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt PC3. Với các kết quả thành phần hóa học, hoạt tính sinh học loài G. multipileum lần đầu tiên được nghiên cứu và công bố tại Việt Nam cùng các nghiên cứu rất đáng khả quan của các loài nấm trong đề tài, nhóm nghiên cứu đã công bố 02 bài báo quốc tế, 03 tạp chí trong nước và 02 báo cáo hội nghị khoa học chuyên ngành. 

   Không dừng ở các kết quả khảo sát thực địa và nghiên cứu thành phần hóa học, chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu đã tiếp tục xây dựng giải pháp bảo tồn 2 loài nấm linh chi Ganoderma lucidum và G. multipileum quý hiếm bằng phương pháp nhân giống nuôi trồng nhân tạo. Đây là hai loài bị khai thác thường xuyên, quá mức, số lượng cá thể đã bị suy giảm đáng kể. Với đề xuất bảo tồn theo phương pháp nhân giống chuyển vị (ex situ), nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm của Linh chi núi rừng Tây Nguyên.
   Đề tài đã nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ở mức xuất sắc và được các chuyên gia đánh giá rất cao. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một dự án triển khai sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ tạo sản phẩm viên nang tăng cường hệ miễn dịch từ nấm linh chi nuôi trồng tại Việt Nam.

 Thông tin do Chủ nhiệm đề tài cung cấp

Xử lý tin: Anh Tú


   

 

  

 

 

 Bản quyền thuộc về Viện Hóa sinh biển. Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin